Trẻ lại tử vong sau tiêm Quinvaxem: Đổi không được, bỏ cũng không xong!

Nhiều ca chưa xác định rõ nguyên nhân

Những ca tử vong trước đây liên quan đến vắc-xin Quinvaxem vẫn chưa được xác định rõ nguyên nhân. Hầu hết đều được hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tử vong là do suy hô hấp, suy tuần hoàn sau tiêm chủng, có thể do sốc phản vệ trên cơ địa… nhưng loại trừ do chính vắc-xin gây ra.

Chính vì kết luận chưa rõ ràng nên dư luận đã đặt ra những câu hỏi như: Quinvaxem có an toàn không? Tại sao xảy ra những trường hợp tử vong liên tiếp? BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM lý giải: Điều dư luận quan tâm cũng là thách thức của các nhà khoa học, ngành y tế. Chúng ta muốn tìm cho ra kết quả thực sự để chứng minh nguyên nhân trẻ tử vong có liên quan đến vắc-xin hay không. Nhưng để làm được điều này rất khó bởi thiếu sự hợp tác của gia đình bệnh nhân để giải phẫu tử thi; các điều kiện, máy móc thực hiện xét nghiệm còn thiếu thốn.

Đồng quan điểm, PGS-TS-BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM giải thích: Không chỉ có Quinvaxem mà bất cứ trường hợp nào tử vong sau chích vắc-xin cũng có ba nguyên nhân chính: chất lượng vắc-xin (quá trình bảo quản, lô sản xuất chưa đạt chuẩn), thực hành tiêm chủng của nhân viên y tế chưa đạt và do bệnh nhân có sẵn bệnh lý khác, hoặc cơ địa quá mẫn cảm. Nhưng không phải trường hợp nào cũng tìm ra kết quả. Khó khăn nhất vẫn là gia đình bệnh nhân không cho bác sĩ giải phẫu tử thi để tìm nguyên nhânchính xác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sợ quá, bỏ tiêm vắc-xin (!)

PGS-TS-BS Phan Trọng Lân lo ngại, vắc-xin Quinvaxem ngừa đến năm bệnh trong một mũi tiêm gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do Hib. Thế nhưng, sau những vụ lùm xùm trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem thì tại khu vực phía Nam, số trẻ đi chích ngừa giảm đến 50-60% (trong tổng số 270.000 trẻ trong độ tuổi phải chích ngừa). Chỉ tính riêng bệnh viêm gan, nếu không chích vắc-xin Quinvaxem sẽ dẫn đến nhiều trường hợp xơ gan, ung thư gan.

Cụ thể, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,6 triệu trẻ được sinh ra, sẽ có hơn 60.000 trẻ bị viêm gan mạn tính (4%). Trong số đó có 25% ca sẽ chuyển sang xơ gan, ung thư gan. Chưa kể, mỗi trẻ bị viêm gan mạn tính còn là nguồn lây truyền cho người thân, gia đình, cộng đồng, gây quá tải bệnh viện, gánh nặng kinh tế rất lớn. Hay như bệnh ho gà, nhờ tỷ lệ tiêm chủng đến 97% mà Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 90 ca/năm; trong khi vào năm 1980 có hơn 96.000 ca bệnh. Đó là chưa kể các bệnh khác như: bạch hầu, uốn ván, viêm màng não mủ do Hib.

Nếu bỏ chích Quinvaxem là nguy hại cho thế hệ tương lai của Việt Nam; dù chúng ta có hàng trăm bệnh viện cũng khó có thể điều trị hết. Trong khi đó, vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh rất ổn định, việc vận chuyển phải được giám sát, đồng thời nhân viên y tế được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức tiêm chủng liên tục.

Số lượt trẻ tiêm Quinvaxem giảm, có thể chuyển sang vắc-xin dịch vụ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, vắc-xin dịch vụ cũng được báo cáo gây ra tác dụng phụ, sốc phản vệ…

Sao không thay thế?

Sau sáu tháng gián đoạn, vắc-xin Quinvaxem được triển khai trở lại vào tháng 11/2013 thì nhiều địa phương như: Tiền Giang, Đăk Lăk, Thanh Hóa, Hải Phòng… đã ghi nhận một số trẻ đã gặp phải những “tác dụng phụ không mong muốn” sau khi tiêm. Đặc biệt là hai ca tử vong có cùng số lô ở Đà Lạt và Bạc Liêu. Vậy tại sao không dùng vắc-xin tương tự thay cho Quinvaxem để đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng? Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, chắc chắn ai cũng muốn có vắc-xin tốt hơn cho người dân và ngành y tế bớt mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu thay thế vắc-xin “5 trong 1” dạng dịch vụ thì sẽ bất tiện hơn như: số lần chích nhiều hơn, chi phí cao hơn và nguy cơ do tiêm chích nhiều hơn.

Có ý kiến cho rằng, vắc-xin Quinvaxem có chứa chất bảo quản là Thiomersal (trong đó thủy ngân chiếm 50%) - là chất độc, sẽ tăng nhạy cảm phản ứng cục bộ cho trẻ, do đó cần thay bằng loại vắc-xin có chất lượng tốt hơn. Một bác sĩ chuyên chích ngừa vắc-xin phản bác: “Nói như vậy là không nắm chuyên môn.

Thực tế, chất Thiomersal chỉ có trong các loại vắc-xin đa liều (một lọ thuốc được chia thành nhiều liều để chích cho nhiều người), nhằm chống tình trạng nhiễm trùng. Trong khi đó, vắc-xin Quinvaxem chỉ có duy nhất một liều nên không có Thiomersal. Thậm chí, ngay trong vắc-xin đa liều, Thiomersal vẫn nằm trong giới hạn cho phép, dưới 0,05%. Và thực tế, cũng có những tổ chức phản đối Thiomersal trong vắc-xin nhưng vẫn còn tranh cãi, chưa có kết quả rõ ràng. Vì vậy, Việt Nam vẫn tin tưởng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn là tin tưởng một vài tổ chức chưa đủ độ tin cậy. Nếu chúng ta không tin tưởng WHO thì sẽ không biết căn cứ vào đâu nữa".

BS Trương Hữu Khanh cảnh báo: “Tôi thực sự lo lắng nếu người dân bỏ chích ngừa. Nhiều căn bệnh nguy hiểm của trẻ đã không bùng phát nhờ vắc-xin. Các bậc phụ huynh nên bình tĩnh nếu không tin tưởng vào tuyến dưới, phường xã thì hãy đưa con lên tuyến trên. Tuyệt đối không nên bỏ chích ngừa”.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin